Tiểu sử của Tony

Ông Maslow đã vẽ ra cái tháp nhu cầu (Hierarchy of need) của loài người. Đầu tiên là nhu cầu sinh lý và cao nhất là nhu cầu tự thể hiện (self-actualisation), tứ nhu cầu khoe. Ông bà ta nói, tốt khoe, xấu che. Khoe chỉ diễn ra khi mình có mà xung quanh không có. Ai cũng đi xe đạp, mình có chiếc Dream thì phải dựng trước nhà. Ai cũng rách rưới thì khi có chiếc áo mới, Tony sẽ mặc ra đứng đầu xóm cho cả làng bu lại coi. Xe hơi đắt đỏ như bây giờ thì nhiều cậu choai choai gọi là “vợ hai”, bốn giờ sáng đã ngủ dậy lau chùi, đứng nhìn vô đó miết. Trong từng giai đoạn thì người ta sẽ khoe khác nhau, mấy năm sau khi nhìn lại thấy buồn cười không chịu được. Báo chí trong những năm đầu thập niên 90, phần quảng cáo xí nghiệp nào cũng có ông Giám đốc ngồi trên bàn làm việc, đeo cà vạt, tay cầm cái điện thoại bàn giả bộ đang gọi điện thoại. Tony còn giữ cái ảnh chụp lúc 10 tuổi, mang dép nhựa và một tay mở cái tủ lạnh nhà người bạn để chụp hình, ngồi coi sướng miết cả ngày.

Khi ra nước ngoài, Tony mới thấy mấy ông Tây cũng khoe dã man. Họ khoe những hầm rượu mấy trăm năm. Họ khoe những cuốn sách quý họ đọc được trong thư viện. Họ khoe về những vùng đất họ đã đi qua, về những con người ở xứ sở tít mù nào đó họ đã đến khám chữa bệnh, dạy học hay cứu trợ. Dân Á thì lại hoe tiền bạc và danh vọng. Trừ Nhật Bản là ít khoe, mấy nước nghèo mới nổi lên khoe ác chiến lắm. Dân Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan…ở đâu người ta cũng khoe xe ô tô hiệu Ben Lây (Bentley), Lé Xẹt (Lexus), Lam Bo Ghi Ni (Lamborghini). Rồi nhiều buổi họp lớp của bạn học thực chất là dịp gặp nhau để khoe. Ai có gì khoe nấy, chủ yếu là của cải tài sản hay con cái học trường điểm, trường chuyên hoặc một trường danh tiếng nào đó ở bển. Chân dài cộng đại gia và ra một đám cưới toàn siêu xe là công thức khoe phổ biến.

Hoà trong không khí ấy, tối qua Tony thức cả đêm để quyết định khoe gì. Biệt thự chăng? Xe hơi chăng? Thường quá. Hay khoe cái quần lót 2 tỷ? Cũng thường quá. Thôi mình khoe bằng cấp đi, những tấm bằng mà mình đã sưu tập, mua bán, năn nỉ, đạo văn, quay cóp, tức hẻm có cái liêm sỉ nào mà mình không từ bỏ để có nó.

Thế là cả đêm, Tony thực hiện chiến dịch truy tìm bằng cấp. Đầu tiên là bằng bé khoẻ bé ngoan, rồi bằng Tiểu học, bằng Cấp hai, Cấp ba, Đại học, Thạc sĩ, Tiến sĩ ồ ạt được lau bụi ép nhựa, ngày mai sẽ photo dán đầy nhà, đầy công ty, tặng các đối tác. Trường cấp ba bình thường sẽ được sửa thành trường chuyên nghe cho oách, nhưng đừng hỏi chuyên gì nghen. Bằng Đại học Tại chức chuyên tu liên thông sẽ sửa thành hệ chính quy tập trung dài hạn, lớp Cử nhân tài năng. Bằng Tiến sĩ mua mấy ngàn đô từ nước ngoài nữa. Cũng đừng có nói nước ta không ai là doanh nhân nhé, vì Tony đã nộp mấy triệu đăng ký vào câu lạc bộ doanh nhân rồi. À, còn có bằng lái xe nữa chớ.

Đang hí hửng “chương trình khoe xin được phép tiếp tục” thì đọc tin sét đánh. Người ta nói mày học vậy thì giàu có là bình thường. Phải ngược lại. Không học gì mà làm được người ta mới nể.

Bèn đốt hết bằng cấp. Lý lịch cuối cùng của Tony: Lớp 3 nghỉ học ở nhà chăn trâu, chăn được hai năm thì đi ở đợ, hai năm sau bị chủ nhà quánh dữ quá, sợ bị quánh chết nên đi lên Sài Gòn bốc vác, được mấy năm thì bốc không nổi nữa nên đi biên giới Lạng Sơn làm đấm bóp, sau đó đi Mỹ diện con nai (con lai), thành Việt Kiều. Về nước mở hãng phân Phượng Tím, chuẩn bị mua lại chợ Bến Thành, sơn sửa lại thành Trung tâm thương mại Tony Plaza chỉ để bán phân và cá mắm giải trí cho vui. Nói thêm, Phượng Tím là tập đoàn đa quốc gia khổng lồ có tới hai nhân viên, trình độ như chủ. Trụ sở đặt đâu ta? Thôi, quận 1 đi cho nó trung tâm.

Lao tâm khổ trí, vật vã mãi chỉ để người đời nó nể, để được nổi tiếng chút thôi mà. Nể giùm tôi cái!

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xe buýt và rau muống

Học làm thơ cho ngày đặc biệt

Phòng chống dịch "Óc Chó"